Đối với những người chuẩn bị ngày mới, bát phở này là hy vọng.
Đối với những người kết thúc ngày dài, bát phở này là niềm ủi an.
Với ông cháu tôi, bát phở này là kỷ niệm và là Hà Nội...
Vẫn nhớ như in lời ông dặn ban sáng “Con về mua cho ông bát phở bò nạm gầu nhé, cơm mãi cũng chán, ông lại chẳng đi đâu được"
6h30 phút chiều thứ 6, tắt máy tính, thu dọn đồ đạc và rời khỏi bàn làm việc, tôi đi đến một hàng phở gần công ty mua một bát phở bò cho ông ngoại năm nay đã ngót nghét 80.
“Anh ơi, cho em bát nạm gầu chín nhé"
“Ok, em ơi”
Nhanh thoăn thoắt, anh bán phở thái thịt, nhúng bánh phở và một vài động tác quen thuộc để ra một bát phở nóng hổi, anh mang ra cho tôi túi nilon đựng bánh phở, thịt, rau và một túi đựng nước. Thế đấy, bây giờ người ta ăn phở đựng trong túi nilon, hộp nhựa quen rồi bởi nó tiện và nhanh nhưng hương vị thì không biết còn xứng đáng với những tiếng xuýt xoa hay không.
7h30 về đến nhà, “túi” phở bò cũng đã vơi bớt nóng. Ông ngoại ngồi ở cửa như đã đợi tôi về rất lâu rồi, cũng phải thôi người già lại yếu như ông tôi thì việc quan trọng nhất của cả một ngày là đợi chờ mong muốn của mình “về đến cửa”.
“Ông ơi, con về rồi. Phở của ông đây, nhưng hơi nguội, đợi con hâm lên cho ông nhé”
Cho phở ra bát, mang đến cho ông. Lâu rồi, ánh mắt của ông ngoại mới háo hức đến như vậy. Như một thói quen, ông húp thìa nước dùng đầu tiên, không phải vắt chanh, thêm ớt hay gia vị bởi ông muốn thấy được cái ngọt thanh của nước hầm xương bò. Nhưng ánh mắt của ông có phần trùng xuống, ăn thêm vài ba miếng nữa ông hỏi:
“Con hay ăn phở ở đây à?”
“Vâng, trước cửa công ty con, ăn vừa nhanh vừa tiện mà con thấy cũng được”
“Phở bây giờ hay nhỉ, tiện và nhanh, đựng trong túi nilon, người ta cũng chẳng hầm xương bò kỹ nữa. Cần gì hầm con nhỉ, đã có cả khối gia vị rồi hương liệu hoá học nước phở kiểu gì cũng sẽ ngọt. Không biết sao người ta làm thế, hay vì bây giờ người ăn cũng chẳng còn thời gian để quan tâm đến một bát phở ngon nữa. Bây giờ ở đâu cũng có phở, nhớ ngày xưa ông chỉ mong mãi được ăn một bát phở Gánh 3h sáng. Mà giờ chân đau, con cháu bận, cũng chả đi được. Thôi thì ta cứ tiện và nhanh mà ăn vậy”
“Tiện và nhanh", hai chữ vẫn ám ảnh tôi đến khi xong xuôi ngày dài. Ông đã đi gần hết cuộc đời, đến lúc về già cũng chỉ mong muốn được nếm lại vị xưa, cảnh xưa mà sao giờ khó quá. Thế hệ mình thì cứ “tiện và nhanh" hơn còn người già họ mong muốn được “kỹ và chậm” đi hay đơn giản họ muốn được sống để nếm trải cuộc đời hơn là chỉ nhanh chóng, vội vàng để phục vụ cuộc đời.
Bốn giờ sáng, hai ông cháu có mặt tại hàng phở Gánh ngã tư Hàng Đường - Hàng Chiếu. Bốn giờ sáng, phố phường ngủ nhưng ngã tư này không ngủ, Gánh phở không ngủ, tôi và ông ngoại không ngủ. Chúng tôi háo hức đón chờ vị phở xưa, cảnh phở xưa và hơn hết là đợi một Hà Nội cũ quay về.
Hình ảnh chiếc đòn gánh cong veo và nồi nước dùng trên bếp lửa ấm áp khiến người ta gợi nhớ lại ký ức thân thuộc về một thời Hà Nội xưa. Ảnh: vietnamnet
Hà Nội cũ của ông là những con phố cổ tấp nập người qua, là khách sạn Hilton sừng sững, là những món ăn không lấp đầy bụng đói nhưng đủ ngon để người ta phải nhớ mãi đến khi bạc đầu. Hà Nội cũ là Hà Nội mà cả đời ông khắc khoải. Hôm nay, niềm vui mà ông mong đợi không chỉ là một bát phở Gánh mà đó là niềm vui được sống lại thời trẻ trai, ngang dọc đất Kinh Kỳ.
Một thanh niên những năm 90, thức dậy sớm cho kịp mưu sinh luôn ao ước một bát phở sốt vang ở ngã ta Hàng Chiếu lúc 3-4 giờ sáng. Phở không chỉ đơn thuần là một món ăn mà còn là động lực để người ta bảo nhau phải cố gắng để được no đủ. Ông cũng là một thanh niên như thế, vất vả mưu sinh, cặm cụi bươn chải cũng chỉ mong đạt được thành quả bé nhất là một bát phở sốt vang đẫm thịt bò.
Hôm nay, tôi và ông cũng thấy ở hàng phở Gánh này những thanh niên như thế.
Gánh phở bên góc phố Hàng Chiếu mỗi đêm. Ảnh: chudu24
Có những người dân lao động dậy sớm và chuẩn bị ngày mới, họ mở đầu cho một ngày làm việc vất vả bằng bát phở đầy đủ hương vị. Có người lại vừa đi làm về, ghé qua ăn bát phở đêm để đẩy lùi cơn đói. Tất cả niềm vui, nỗi buồn của ngày đã qua hay niềm vui của ngày sắp tới đều đọng lại ở một bát phở. Đối với những người chuẩn bị ngày mới, bát phở này là hy vọng, đối với những người kết thúc ngày dài, bát phở này là niềm an ủi. Với ông cháu tôi, bát phở này là kỷ niệm và là Hà Nội.
Khách tới đây, ai cũng xuýt xoa khen ngợi tô phở nóng hổi, nước dùng thơm ngon, đậm đà. Ảnh: hanoitv
Phở gánh Hàng Chiếu - nơi khiến những người con Hà Nội hoài niệm về hương vị của phở Hà thành xưa. Ảnh: @sulsulles
Gánh phở ở đây cực cũng đơn giản chỉ có phở chín, phở tái và phở bò sốt vang. Bát phở nóng thơm nức mùi nước dùng ninh xương, miếng thịt mềm vừa miệng, bánh phở dai dai hoà quyện tạo nên hương vị đặc biệt khiến người ăn không thể nào quên được. Món phở được người ta yêu thích nhất chính là phở bò sốt vang. Phở sốt vang chỉ khác ở thịt sốt vang, còn nước dùng vẫn là nước hầm xương. Thịt sốt vang thì không ninh nhừ mà để hơi dai một chút cho hợp hơn với phở.
Tôi và ông gọi phở sốt vang, hương vị vẫn không thay đổi, nước vẫn đậm đà, sợi phở vẫn mềm, thịt bò vẫn ngọt như xưa. Phở ngon thật nhưng nhìn ông ăn tôi còn thấy ngon hơn gấp bội, nhưng tiếng xuýt xoa vang lên đều tăm tắp. Lâu rồi tôi mới thấy ông ngoại ăn một món gì mà hạnh phúc đến như vậy, húp nốt thìa nước cuối cùng trong bát ông tếu táo:
“Phở ngon thật, đúng là không đựng trong túi nilon!"
Một quán phở giản đơn, không bàn gỗ ghế cao, cũng chẳng hề có biển hiệu, ấy vậy mà vẫn đông đúc, tấp nập khách ra khách vào. Ngày mưa cũng như ngày nắng, quán vẫn mở và khách vẫn đến đông. Ông nói đó mới là phở Hà Nội, người Hà Nội và vị Hà Thành.
Chọn trải nghiệm - trọn cảm xúc. Cùng cộng đồng CheckinVietnam đi ăn chơi và cùng nhau chia sẻ những trải nghiệm du lịch của mình tại link này nhé!
Chia sẻ một serie những món ăn "gây thương nhớ" cho những ai từng có tuổi thơ "chăn trâu, cắt cỏ, thả diều trên cánh đồng quê", tác giả đã thu hút nhiều sự chú ý với công thức làm món châu chấu rang.
Đối với mình, món quà tuyệt vời nhất của mùa thu chính là những quả hồng.
Lẩu băng chuyền quả là lựa chọn hoàn hảo dành cho những người lười, vì bạn chỉ cần ngồi một chỗ là cũng lấy đủ đồ nhúng lẩu để ăn, không cần mất công gọi nhân viên, chờ đợi đồ ra.
Độc đáo cháo khoái Hải Phòng - tưởng là cháo nhưng lạ lắm, ăn đặc sánh như bánh đúc, lại có màu xanh, ăn cùng đỗ xanh, cơ mà cứ ăn là “khoái”
Bỏ công việc lương cao, hội bạn thân này đã quyết định về quê sống cùng nhau để tận hưởng cuộc sống yên bình và được là chính mình.
Cháo ốc là món khá lạ, không nhiều vùng quê có. Nếu muốn thử món này, hãy note ngay cách nấu cháo ốc Tiên Phước - món truyền thống trứ danh Quảng Nam hẳn chưa nhiều người được nếm thử.
Nói về món xôi đỗ đen kiểu Hải Phòng nhưng lại chia sẻ cách nấu xôi đỗ đen "tơi ráo nguyên hạt, mềm dẻo, không dầu mỡ" theo khẩu vị của mình, tác giả này có lẽ đã gợi nhớ cho bao người về món xôi khá quen mà lâu lâu mới ăn.
Thủ đô luôn là nơi tập trung nhiều viện bảo tàng cấp quốc gia và gần đây Hà Nội đang đón một làn sóng giới trẻ check in ở các bảo tàng. Nếu bạn cũng muốn hòa vào làn sóng này, tham khảo ngay gợi ý 10 viện bảo tàng lớn hàng đầu ở Hà Nội sau nhé!
Được mệnh danh là "đặc sản kinh kỳ", cà bát Khương Hạ tưởng chừng sắp thất truyền khi món ngon có tuổi đời 300 năm này đang có khá ít người biết đến. Và hiện đã có những người trẻ vực dậy món cà muối lâu đời của ẩm thực Hà thành.
Khoảng 1 tháng trở lại đây, sự kiện cây hoa gạo trăm tuổi bên bờ Hồ Gươm bung nở đỏ thắm đã thu hút không chỉ nhiều người đến check in mà còn tạo nên một làn sóng chia sẻ đầy cảm xúc trên các trang mạng.
Gợi ý 4 nhà hàng nên dẫn bạn bè nước ngoài đến ăn sau đây từ một cô gái Hà thành, người vừa tiếp một người bạn nước ngoài ghé thăm cô và thủ đô Hà Nội.
Những ngày qua, nhiều bạn trẻ khoe ảnh check in địa điểm ngắm hoa phong linh mới nổi ở trung tâm thủ đô Hà Nội thay vì đi xa hơn một chút ra những tuyến đường vành đai như trước đây.