Trải dài gần 800m quanh co bên hữu ngạn sông Nhuệ, làng Cự Đà ( thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) đến nay vẫn giữ được cho riêng mình những nét xưa của một làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, cổ kính trên từng những dấu tích của tháng năm, trở thành điểm dừng chân cho những ai thích cảm giác yên bình khi check in Hà Nội.
Làng Cự Đà xưa thuộc tổng Tả Thanh Oai, sau thuộc Hà Tây và hiện nay thuộc thành phố Hà Nội. Theo điền bạ lập vào năm 1805 hiện còn được lưu giữ tại Trung tâm Tư liệu Quốc gia, Cự Đà có tổng diện tích hơn 183 mẫu Bắc bộ. Dòng Nhuệ Giang tấp nập trên bến dưới thuyền ngày nào đã bồi tụ nên xóm, nên làng, góp phần dệt nên diện mạo và những nét đẹp nghề truyền thống ở Cự Đà. Để rồi, từ bao đời nay, con người nơi đây vẫn hào sảng kể về ngôi làng nhỏ của họ như một vùng đất giàu giá trị, đúng như quan niệm phong thuỷ xa xưa “nhất cận thị, nhị cận giang”.
Nằm giữa vùng đất cổ có bề dày lịch sử văn hoá, Cự Đà đến nay vẫn mang trong mình những dấu ấn nguyên sơ của một ngôi làng cổ ven sông - nơi đã lưu lại ký ức và tâm hồn con người ở vùng quê ấy trong buổi giao thời từ hàng trăm năm trước. Trước sự phát triển như vũ bão của thời đại ngày hôm nay, những mảnh vỡ của quá khứ ở Cự Đà đã níu giữ cái hồn quê cũ hương xưa với không gian đầy cổ kính, phảng phất những nét đẹp thuần hậu, kín đáo trên từng mái nhà, ngõ xóm.
Đến Cự Đà, người ta bắt gặp những chiếc cổng làng bạc màu hướng về phía Đông, trông ra dòng Nhuệ Giang đón ánh nắng sớm. Trong tâm niệm của người Cự Đà, đó chính là sự hiện thân cho lịch sử, thay thế hệ ông cha kể lại câu chuyện năm xưa về nếp sống, hồn quê và tình người hồn hậu nơi đây. Và rồi, dẫu cho những cơn lốc đô thị hoá vẫn đang tràn về, những cổng làng cửa xóm được dựng lên từ thuở Cự Đà bắt đầu ăn nên làm ra vẫn còn nguyên những lớp tầng giá trị văn hoá cố kết theo năm tháng lịch sử, mở ra những miền không gian, những khoảng thời gian với biết bao tâm cảnh, chồng chất trên mình biết bao kí ức như chưa từng khuất lấp.
Sự trù phú và quy củ của Cự Đà trong những năm tháng quá khứ nay vẫn hiện diện rõ trên từng nét thâm nghiêm cổ kính. Những ngôi nhà cổ nằm sâu trong những con ngõ nhỏ ở Cự Đà chính là minh chứng rõ ràng nhất của thời gian. Người Cự Đà bao năm qua vẫn cố gìn giữ và duy trì nếp sống trong những ngôi nhà ba gian theo lối nội tự ngoại khách mang đậm tri thức kiến trúc dân gian hay những ngôi nhà hai tầng kiểu Pháp dọc theo con đường cái trong làng. Và rồi, suốt những thập kỷ qua, những nếp nhà nhuốm màu thời gian vẫn là nơi gìn giữ những ký ức và dấu ấn vẹn nguyên của một miền quê ven sông cự phú bậc nhất trong quá khứ.
Những công trình cổ tiêu biểu cho văn hoá làng quê Bắc Bộ ở Cự Đà nay vẫn còn đó và trở thành những di tích lịch sử quốc gia giàu giá trị. Đất vua chùa làng, Cự Đà như mọi làng quê xưa có riêng một mái chùa để nương tựa đời sống tâm linh. Chùa tên chữ là Linh Minh Tự nhưng người Cự Đà xưa nay vẫn quen gọi bằng chính cái tên làng của họ. Qua năm tháng, Chùa Cự Đà không đơn thuần chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của cư dân làng xã nơi đây mà đó còn là biểu tượng chất chứa cái hồn dân tộc và nếp sống muôn đời của tổ tông, giữ trọn cái văn hoá làng từ thuở xa xưa của ông cha mình.
Người ta muôn nơi về đây vẫn cảm nhận rõ dư âm của Cự Đà ngày ấy đọng lại trên nét rêu phong của mái đình làng hàng trăm năm tuổi, trên những con đường quanh co rợp bóng tre, trên cả những bức tường đá ong trầm mặc một màu hoàng thổ và hơn cả là trong từng nếp sống nông thôn dung dị, mộc mạc của con người nơi đây. Cái hồn xưa của làng quê ngày ấy vẫn âm thầm chảy trong nhịp sống hôm nay qua tiếng trò chuyện rôm rả của mấy cụ già trong quán nước nhỏ dưới tán cây cổ thụ đầu làng, qua những bước chân chậm rãi của các mẹ, các bà trên con đường ra chợ phiên mỗi sáng, qua cả tiếng đá lạch cạch của lũ trẻ chơi ô ăn quan trước sân đình… Nhiều thực khách về đây vẫn luôn tự hỏi liệu rằng thời gian có đang bỏ quên nó hay không bởi trong cảm nhận của họ, Cự Đà vẫn bình yên và giản đơn trong cái hồn rất riêng.
Người ta xưa nay vẫn truyền tai nhau về “tương Cự Đà, cà Thuỵ Khuê”. Bởi vậy, biết bao thế hệ người dân ở Cự Đà vẫn luôn tự hào ẩn giấu trong mình một hương xưa đất Việt. Chẳng phải tự nhiên mà tương Cự Đà vang tiếng gần xa, người ta biết đến nó nhờ cái vị ngọt dịu và hương thơm mang đặc trưng riêng. Nhiều người sinh ra và lớn lên ở Cự Đà vẫn trăn trở, quyết bám lấy với cái nghề làm tương truyền thống, như là cách để họ tiếp nối cái nghề của ông cha và giữ lại cái hồn quê dân dã bao đời nay.
Giờ đây, khi về Cự Đà vào những ngày nắng đẹp, người ta còn bắt gặp những phên miến giong vàng ươm trải rộng khắp những cánh đồng làng, ngõ xóm. Với sản phẩm ẩm thực dân dã này, người Cự Đà hôm nay đã góp thêm một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết và những ngày trọng đại khác trong gia đình người Việt. Nghề làm miến truyền thống dường như đã chắp nối được cái tinh thần vươn lên làm giàu của người Cự Đà ngày ấy, điểm thêm một nét đẹp trong gia tài văn hoá ẩm thực độc đáo của Việt Nam.
Hàng ngàn thế hệ, hàng ngàn những sự đổi thay theo lớp bụi tháng năm đã vun đắp những lớp tầng văn hoá, làm nên một diện mạo Việt Nam giàu bản sắc và giá trị. Con người ngày hôm nay, không thể có đầy đủ một cái nhìn sâu sắc về những gì đã bị năm tháng vùi lấp đi. Nhưng, những ngôi làng cổ có từ bao đời còn tồn tại với số lượng ít ỏi trên khắp miền quê Việt bằng một cách tự nhiên và chân thực nhất đã kể cho những thế hệ ngày hôm nay về một Việt Nam với dư vị xưa cũ, về những câu chuyện của một nền văn hóa vĩ đại ẩn sâu bên trong hình hài đất nước. Cũng bởi vậy, Cự Đà ngày hôm nay vẫn mang trong mình những sứ mệnh riêng, gìn giữ và lan tỏa những nét đẹp thuần hậu của quê hương, trở thành “địa chỉ đỏ” cho thế hệ sau đi tìm những giá trị cốt lõi trong văn hoá nông thôn mà bao đời ông cha để lại.
Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại ngày hôm nay vẫn đang dấy lên những lắng lo trong việc bảo tồn và phát huy những nét đẹp truyền thống nơi đây. Hơn ai hết, những con người gắn bó bao đời nay ở Cự Đà vẫn đang ngày ngày mong mỏi sự quan tâm đúng mực của Đảng và Nhà nước để ngôi làng nhỏ của họ có thể sống mãi với dòng thời gian cùng những nét đẹp dân dã, thuần hậu vốn có của một ngôi làng cổ ven sông.
Chọn trải nghiệm - trọn cảm xúc. Cùng cộng đồng CheckinVietnam đi ăn chơi và cùng nhau chia sẻ những trải nghiệm du lịch của mình tại đây nhé!
Ảnh: Khánh Linh, tổng hợp
Lẩu dê quả thực là món lẩu để nhậu cực kì chuẩn bài. Các bữa nhậu với đồng nghiệp, bạn bè thì quây quần bên nồi lẩu dê và chén rượu là chuẩn nhất đúng không nào?
Sáng 17/11, Tháp nước Hàng Đậu hay Bốt Hàng Đậu chính thức mở cửa đón khách tham quan. Rất đông người dân đã có mặt từ sáng sớm để vào chiêm ngưỡng không gian bên trong công trình này. Ai cũng háo hức chờ đến lượt vì bấy lâu nay mới chỉ được check-in bên ngoài thôi. Và còn rất nhiều điều cực kì thú vị về Bốt Hàng Đậu mà có thể bạn chưa biết đó!
Chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến lễ tình nhân Valentine lãng mạn, nhưng bạn vẫn không biết tạo bất ngờ gì cho người ấy. Vậy sao không dắt người thương đi du lịch và đến những tọa độ này.
Hết hồn với hình ảnh người người nhà nhà chen chúc tại những địa điểm du lịch trên cả nước vào dịp Giỗ Tổ năm nay.
Bạn có phải là dân sành ăn không? Hãy thử đánh giá xem đâu là hàng bún chả “chân ái” nhất trong mọi ngóc ngách của Hà Nội.
Các điểm du lịch thủ đô thu hút khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ đến tận hưởng không khí “Tết Độc lập”
Tìm hiểu về 7 món ăn truyền thống Bát Tràng, bạn sẽ nhận ra làng cổ gốm sứ nổi tiếng nhất Hà thành này có nền ẩm thực độc đáo bởi các món ngon nơi đây có nhiều nét đặc trưng khác biệt so với những vùng miền khác.
Dịp xuân và Tết Nguyên đán không thể thiếu những món mứt cổ truyền, đó là lý do cộng đồng ẩm thực bàn về cách làm món mứt vỏ bưởi - món mứt được cho là khá ngon và bổ dưỡng.
Thu 1,2 triệu đồng cho 3 bát bún riêu ngày Tết, quán bún riêu "trêu đùa nói 400.000 đồng/bát bún" bị đình chỉ bởi có lẽ ít ai tin đó là trò đùa. Hàng nghìn cư dân mạng đồng tình với việc quán bị tạm đình chỉ.
Thông tin Hà Nội dừng trình diễn drone đêm Giao thừa Tết Ất Tỵ được báo chí và các trang mạng lan truyền sau 2 ngày xảy ra sự cố tổng duyệt khiến nhiều thiết bị bay không người lái bốc cháy.
Không chỉ là ngôi chợ quê lâu đời nhất phố cổ Hà Nội, chợ Thanh Hà (quận Hoàn Kiếm) còn được cho là chợ quê còn lại duy nhất ở khu phố cổ. Nơi đây có những món ngon ngày Tết nức tiếng ai cũng nên thử khi có dịp ghé qua.
Với 4.050 thiết bị bay không người lái thắp sáng bầu trời thủ đô vào tối ngày 28/1 (tức 29 Tết), sự kiện trình diễn drone Giao thừa chào xuân Ất Tỵ dự kiến mang về cho Hà Nội kỷ lục Guinness thế giới.