20 tuổi làm một lúc hai công việc để có tiền du lịch, 22 tuổi đi khắp châu Âu dù có lúc chẳng còn một xu, gần 30 tuổi, covid ập đến, thu nhập từ nghề travel blogger là con số 0 nhưng chàng trai này vẫn sống tốt.
MỤC LỤC [Hiện]
Không biết tuổi trẻ này ngoài tủ quần áo chật cứng với nhiều thứ chẳng bao giờ mặc đến bạn đã mua được những gì? Còn với với anh chàng 21 tuổi Lý Thành Cơ những năm vừa mới tốt nghiệp đại học, dù chiếc ví chẳng dày, cậu sinh viên năm 4 vẫn sẵn sàng mua cho mình những trải nghiệm “đắt giá”. Khoảng thời gian bôn ba, “lao thân” đi kiếm tiền vì nhận thấy môi trường học hành và tấm bằng là chưa đủ, Lý Thành Cơ đã nhận ra cần phải thoát khỏi vùng an toàn càng nhanh càng tốt. Và với tuổi trẻ đong đầy trong ví, chàng trai chọn mua cho mình chuyến xuất ngoại đầu tiên.
Cách đây 7 năm, Lý Thành Cơ có chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời, khi ấy anh vừa tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ Anh và được một công ty quảng cáo nhận vào làm. Chính chuyến du lịch Hong Kong vào năm 2014 đã đánh thức niềm đam mê xê dịch của của chàng trai tưởng điềm tĩnh mà lại có “máu liều” này. "Từ suy nghĩ đi cho biết lại thành một đam mê lớn. Một năm sau đó mình đi vòng quanh châu Âu suốt 1 tháng trời khi trong túi chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng."
Nghe con số 22 tuổi, 30 ngày, 20 triệu đồng, vòng quanh châu Âu hẳn nhiều người sẽ thấy ngưỡng mộ anh bạn trẻ Lý Thành Cơ năm đó vô cùng. Tuy nhiên hành trình bồng bột nào của tuổi trẻ không gặp phải những khó khăn? Khi đặt chân đến Hà Lan vì không đủ tiền để ở khách sạn, nhà nghỉ tiện nghi, anh chàng đã phải xin ở lại nhà người dân bản xứ. Nhưng vì quy định lưu trú kỳ quái là phải lột sạch quần áo khi ở trong nhà nên anh chàng phải bỏ đi và lang thang trên đường khi chưa biết mình sẽ ở đâu. May mắn thay anh được một người dân tốt bụng cho ở nhờ nhà trong vài ngày trước khi lên đường sang Cộng hòa Czech.
Hay lần khác khi tới điểm đến cuối cùng của chuyến đi là Ba Lan, anh đã chẳng còn đủ tiền để lo chi phí đi lại, giặt giũ hay mua những thứ thiết yếu. Thật may là anh chàng đã đăng ký một chương trình trao đổi văn hóa với sinh viên trường đại học Warszawa nên có thể ở nhờ kí túc xá và được hỗ trợ 2 bữa ăn mỗi ngày. Còn tiền sinh hoạt phí thì được một bạn sinh viên tốt bụng cho mượn rồi về Việt Nam gửi trả.
Những khó khăn đầu tiên trong hành trình thoát khỏi vùng an toàn của Lý Thành Cơ sau này đã trở thành trải nghiệm đắt giá cho anh và trở thành bản lề để anh bắt đầu với “cơ duyên” travelblogger. Chính sự thiếu sót trong những chuyến đi "non nớt" đầu tiên đã thôi thúc Lý Thành Cơ bắt tay vào công việc viết blog và làm fanpage du lịch để chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề như xin visa, giấy tờ hay chuyện đi đứng, ăn ở… Thế là trong tuổi trẻ của mình, Lý Thành Cơ đâu chỉ mua được một vài chuyến đi…
Du lịch không hẳn phải là huyên náo, du lịch cũng không hẳn phải đến một nơi có nhiều người check in mà du lịch là đến bất cứ nơi đâu bạn tìm thấy được sự bình yên trong tâm hồn. Nhiều người thích đi du lịch bụi, phượt, check in sống ảo hay đơn giản đi chill, nghỉ dưỡng, ngắm cảnh thiên nhiên nhưng Lý Thành Cơ lại thích kiểu đi chậm, đi sâu và tìm hiểu về con người, văn hóa. “Phong cách của mình là đi chậm, quan sát thật sâu và viết lại những điều thật nhất dù đôi khi chúng không đẹp như chúng ta tưởng tượng.”
Chính vì vậy anh luôn dành cho bản thân những khoảng lặng cần thiết và thời gian đủ lâu cũng như sự chuẩn bị kỹ càng từ trước cho chuyến “trăng mật với bản thân” – du lịch một mình. Đối với Lý Thành Cơ, việc du lịch một mình không hề cô đơn bởi khi đến một vùng đất mới anh thường xuyên làm quen với những con người địa phương và khám phá đời sống của họ. Bên cạnh đó xê dịch một mình còn mang lại cho anh sự tĩnh tâm, ung dung nhìn cuộc sống theo góc độ và tốc độ của chính mình, tâm hồn cũng từ đó mà mở rộng hơn.
Chia sẻ với CheckinVietnam, Lý Thành Cơ cho biết ‘sống chậm” “du lịch chậm” chính là định hướng của anh ờ thời điểm hiện tại đến tương lai. “Mình sẽ ở một nơi lâu hơn, đến vài tháng, để hiểu về nơi chốn đó như một người địa phương chứ không chỉ là một người lữ khách qua đường. Mình dự định lúc hết dịch sẽ thử đến Ý hoặc Nhật ở trong 3 tháng.”
Lý Thành Cơ tự nhận mình là kẻ tham lam khi nhiều năm nay anh luôn cùng một lúc luôn làm cả 2 việc, đó là làm công ăn lương và “làm tình” với những cung đường. “Thật sự xuất phát điểm của Cơ (và cho đến bây giờ) cũng chỉ là một nhân viên văn phòng trong ngành quảng cáo sáng tạo. Công việc khá bận rộn nên thực chất chưa bao giờ mình tự coi mình là một travel blogger cả.”
“Hiện tại tình hình dịch khá phức tạp, tuy nhiên song song với công việc review du lịch, Cơ vẫn làm việc tại một công ty quảng cáo, do đó cuộc sống của mình vẫn bình ổn trong đại dịch.” Lý Thành Cơ chia sẻ nhiều bạn bè khuyên anh nên nghỉ ngành quảng cáo để chuyên tâm làm du lịch vì ngành này đang lên nhưng vì yêu thích cả 2 công việc nên anh quyết tâm duy trì. Đến 2020, khi dịch bệnh bùng phát, anh nhận ra lựa chọn của mình hoàn toàn đúng. Hiện tại, công việc quảng cáo đã giúp cho anh trải qua tháng 4-5/2020 đầy bình yên dù thu nhập của travel blogger quay trở về con số 0.
Chính trong khoảng thời gian dịch bệnh kéo dài 2 năm nay, Lý Thành Cơ đã nhận ra những sự thay đổi của xu hướng trong thời kỳ “bình thường mới”. Anh bắt đầu làm đa dạng nội dung về phong cách sống, kinh nghiệm công việc, nhiếp ảnh,…nên những cú bắt tay hợp tác với những nhãn hàng ở nhiều lĩnh vực cũng đến nhiều hơn chứ không chỉ riêng du lịch. “Thế nên, nếu là một travel blogger, bạn nên biết thích ứng với tình hình và nên giỏi ở nhiều lĩnh vực, có vậy mới đi lâu với nghề và không vì tài chính mà chúng ta bỏ nghề.”
Chia sẻ về việc cân bằng du lịch với cuộc sống, Lý Thành Cơ cho biết trong thời kỳ dịch bệnh khi công việc travel blogger bị chậm lại anh dành thời gian lục lại hình của những chuyến đi cũ và thử chỉnh màu theo phong cách mới rồi chia sẻ lại. Ngoài ra anh cũng chịu khó viết blog, làm vlog về các chuyến đã đi mà trước đó cứ lười viết. Còn trong thời điểm ngành du lịch ổn định và bận bịu với cả công việc lẫn nghề travel blogger thì anh thường sắp xếp thời gian du lịch vào cuối tuần và những ngày phép “Cách đơn giản nhất chính là lặp một thời gian biểu trên Google Calendar, khi điền đủ vào đó thì bạn sẽ thấy ra bạn vẫn có quá nhiều thời gian trống, và thời gian trống đó có thể dùng để đi du lịch hoặc làm thêm.”
“Làm sao để duy trì công việc, mà vẫn xê dịch cho thoả thanh xuân?” không hẳn là câu hỏi cần được trả lời, câu trả lời nằm ở lựa chọn của riêng bạn. Bắt đầu làm thử đi đã nhé!
Chia sẻ: Lý Thành Cơ