Chuyện tình được sắp đặt, đám cưới xa xỉ bậc nhất đất Kinh kỳ, tưởng rằng sẽ chẳng ai có thể hạnh phúc nhưng lại là cái kết có hậu đến mãi về sau
Mối tình tuổi 20 dở dang
Bà Nguyễn Thị An (sinh năm 1932) là con gái lớn trong gia đình có 6 người con. Gia đình bà khi xưa thuộc dạng giàu có, làm ăn lớn, có tiếng tại phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến). Lật giở từng tấm ảnh cũ được lưu giữ rất cẩn thận, bà An vuốt ve chúng như muốn chạm vào những mảnh ký ức còn nguyên vẹn từ hơn 60 năm trước.
“Năm 20 tuổi, khi ấy tôi vẫn đương thì xuân sắc. Tôi bán vải ở chợ Nam, nhà có máy dệt, chuyên dệt quần áo chở vào trong Nam bán. Bố mẹ tôi giáo dục các con rất nghiêm khắc, theo nề nếp phong kiến, nhưng chuyện tình cảm thì tôi rất cởi mở. Tôi sống cũng thoáng, hay đi chơi với bạn bè, ăn mặc mốt thời đại lắm. Nhưng 9h tối không có mặt ở nhà là bố đã chờ sẵn để đánh phạt.
Năm 51-52, tôi yêu một anh là em út của ông Cự Giao, phú hào làng Cự Đà giàu có nổi tiếng ngày xưa. Nhưng bố mẹ tôi qua mai mối lại muốn gả tôi cho con trai nhà họ Nguyễn trên phố Tràng Tiền. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, nên dù tôi không hề có tình cảm với người ta, vẫn phải nghe lời bố mẹ. Mẹ tôi còn dọa bảo, nếu chịu lấy chồng mẹ sẽ cho tôi hết sạp vải ở chợ, còn không thì tự đi mà cưới người khác, tự lo ăn mặc. Thế nên tôi im lặng về nhà chồng, dù trong lòng phản đối cực lực.
Ông nhà tôi là Nguyễn Đức Chiểu, con trai chủ tiệm may Adam nổi tiếng, giờ là số 19 Tràng Tiền đấy. Mẹ ông mất sớm, chỉ còn bố thôi. Hồi ấy ông thích tôi lắm, ngày Tết đến nhà tôi chơi thì tôi bận đi với “người yêu”. Ra bờ Hồ vô tình 3 người gặp mặt, tôi “bơ” ông ấy luôn (cười). Nhưng rồi cuối cùng tôi vẫn phải lên xe hoa. Trước lúc cưới tôi nói thẳng với ông Chiểu là tôi không yêu ông, nhưng ông chỉ cười hiền.
Đám cưới đình đám bậc nhất đất Kinh kỳ
Ngày rước tôi về, ông và bạn bè lái một hàng xe xịn đến trước cửa, tiệc cưới thì đặt ở khách sạn to nhất nhì Hà Nội, ông cười nhiều lắm, còn tôi thì buồn thiu. Sau đó mấy tháng tôi vẫn lạnh nhạt, chỉ quán xuyến việc nhà như trách nhiệm người vợ, như những gì tôi được bố mẹ dạy dỗ.
Thế mà ông Chiểu vẫn yêu thương, chiều tôi lắm. Tôi sinh 2 đứa, 1 trai 1 gái, chẳng bao giờ phải thức khuya vất vả chăm con hay cho bú, bởi nhà có 2 vú em. Ông quan tâm chăm sóc tôi đủ thứ, nên dần dần tôi yêu ông lúc nào không hay. Ông tốt lắm, bao dung độ lượng, không quát mắng ai bao giờ, rất học thức. Gia đình môn đăng hộ đối, tôi cũng không thiệt thòi gì. Ai cũng bảo tôi sướng, tôi cũng thấy mình may mắn, cảm động vì ông nhiều lắm."
Bà còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật về ông Chiểu, người chồng thân thương đã ra đi từ hơn 30 năm trước. Mỗi kỷ vật lại gắn liền với những ký ức tươi đẹp về tình yêu đơm hoa kết trái muộn của 2 ông bà.
“Buổi tối, ông hay lái xe chở tôi đi ăn đi chơi, phát hiện ra 2 người cùng thích ăn thịt bò khô, nên suốt ngày ăn món đó, lên xe ông đút cho tôi 1 miếng, tôi cũng đút cho ông. Đến lúc tôi có tình cảm với ông rồi, 2 vợ chồng cùng đi chụp ảnh tại tiệm Kinh Đô nổi tiếng bấy giờ.
Nghĩ lại thì tôi thấy ông cũng đẹp trai (cười), lại yêu thương tôi như thế, nên khi ông qua đời, tôi tự nhủ, nếu có người đàn ông khác đến bên mình thì người ấy phải hơn được ông tất cả mọi thứ, nếu không thì chẳng xứng với tôi.
Đám cưới năm 52, ông trao cho tôi chiếc nhẫn vàng hình đốt trúc. Chiếc nhẫn trên tay từng ấy năm chưa bao giờ tôi tháo ra, trừ 1 lần duy nhất, là tôi đem đi đánh lại, lấy chiếc răng vàng của chồng tôi pha thêm vào nhẫn sau khi ông mất. Tôi nhớ mãi 3 hôm trước lúc ra đi, ông nằm trên giường chỉ nắm lấy tay tôi làm một việc duy nhất, là sờ vào chiếc nhẫn cưới, rơm rớm nước mắt. Rồi ông rời xa tôi mãi mãi trong một ngày đông lạnh giá cuối năm 1984. Tôi ở vậy cho đến tận bây giờ”.
Đối với bà Nguyễn Thị An, điều may mắn nhất chính là việc ông Chiểu xin cưới bà làm vợ, dù biết bà không yêu ông, và giúp bà tận hưởng được hương vị tình yêu chân thành, vĩnh cửu.
Theo: Phạm Ngọc Linh - Báo Phununews (2015).