Có ai yêu thích cơm tấm Sài Gòn mà chưa biết mấy fact độc đáo về món ăn quốc dân vạn người mê này không? Cùng tìm hiểu 5 Fact ít người biết về cơm tấm Sài Gòn nha!
Xưa kia, cơm tấm là món ăn quen thuộc của người dân lao động hoặc sinh viên. Sở dĩ được gọi tên "cơm tấm" bởi người ta tận dụng những hạt tấm thừa, hạt gạo bể... để nấu thành cơm. Gạo tấm thường ít nở, giá thành rẻ hơn những loại gạo khác trên thị trường nên nấu cơm tấm cũng là để tiết kiệm chi phí.
Phiên bản của cơm tấm khi đó (trước năm 1945) chỉ có cơm tấm bì thịt ram trộn thính. Dĩa cơm nóng hổi, một lớp mỡ hành, tóp mỡ giòn, rắc lên trên bì heo luộc xắt sợi nhỏ, trộn với thịt ram và thính gạo, chan nước mắm ớt tỏi, pha loãng. Dần dần cơm tấm có xuất hiện thêm các món: hột vịt kho, sườn khìa, lạp xưởng, thịt gà kho gừng.
Khi người Pháp đến Sài Gòn nhiều hơn cũng là lúc món cơm tấm có những chuyển mình mới mẻ hơn. Đế cơm tấm trở nên văn minh kiểu Tây phương, có thể bán cho dân buôn, công chức, cho người Pháp, cho người Hoa, người Ấn…, cơm tấm được phục vụ trong dĩa trắng to trẹt, ăn với muỗng nĩa chứ không dùng chén đũa truyền thống. Đặc biệt có thêm sự xuất hiện của thịt sườn nướng kiểu Pháp và trứng chiên ốp-la.
Cơm tấm đã nhiều lần xuất hiện trong các bài viết về ẩm thực Việt Nam trên những kênh truyền thông quốc tế lớn. Du khách nước ngoài thường nhận xét cơm tấm là "comfort food" - món ăn khiến họ cảm thấy dễ chịu, thân quen dù lần đầu thưởng thức. Cơm tấm đã được truyền thông quốc tế như CNN và The Culture Trip vinh danh là một trong những món ăn ngon nhất Việt Nam.
Cơm tấm thường được thưởng thức cùng nước mắm chua ngọt. Bên cạnh các nguyên liệu thông thường để pha nước mắm (đường, giấm, tỏi, ớt...) thì nước mắm của cơm tấm còn được biến tấu với nhiều nguyên liệu khác như nước dừa, tắc, chanh.
Nếu như có dịp đến Sài Gòn, bạn bỏ qua món ăn gì cũng được, nhưng đừng quên thưởng thức món cơm tấm này nhé! Vì cơm tấm Sài Gòn không chỉ là một món ăn, mà còn là một nét văn hóa đặc sắc của Sài Gòn. “Làm một phần cơm tấm, uống một ly cà phê đá”, vậy là bạn đã hoàn thành xong “checklist chuẩn local” của người Sài Gòn rồi đấy!
Không thể tin nổi món ăn quốc dân này từng suýt bị “xóa sổ” vì gạo tấm không được ưa chuộng. Thập niên 1990, gạo tấm từng không phổ biến do người ta chuộng gạo nguyên hạt. Tuy nhiên, nhờ hương vị đặc biệt và sự gắn bó văn hóa, cơm tấm đã giữ được vị trí đặc biệt trong ẩm thực Việt./.