Có thể chưa ai nói cho bạn biết đôi điều độc lạ về địa điểm vốn luôn thu hút du khách ghé thăm mỗi khi du lịch thành phố lớn nhất miền Trung. Hãy cùng tìm hiểu 10 sự thật siêu thú vị về chợ Cồn - Đà Nẵng.
Chợ Cồn tọa lạc tại địa chỉ 90 Hùng Vương, phường Hải Châu, TP Đà Nẵng. (Ảnh: Golden Gift)
Năm 1957 chợ Hàn - chợ duy nhất ở trung tâm Đà Nẵng bị quá tải nhưng vẫn chưa xây thêm được chợ mới để phân luồng hoạt động nội thương, chợ Cồn ra đời. Năm 1958, Tòa Thị chính Đà Nẵng cho lập chợ Cồn. Ban đầu chỉ có 2 đình chợ rồi chợ Cồn nới rộng thêm qua từng thời kỳ.
Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, chợ Cồn bắt đầu hình thành khoảng thập niên 1940. Ban đầu, đây chỉ là một khu chợ tạm dựng lều bạt sơ sài nhưng cực kỳ đông đúc, buôn bán nhộn nhịp, là nơi giao thương quan trọng cho dân cư địa phương.
Chợ Cồn hình thành từ thời Pháp thuộc và phát triển mạnh sau 1950, trở thành một trong những chợ lâu đời nhất Đà Nẵng còn hoạt động. Chợ Cồn được biết đến là chợ đầu mối lớn nhất, nơi buôn bán tấp nập nhất Đà thành.
Chợ Cồn là địa danh ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của Đà Nẵng. (Ảnh: VietnamPlus)
Chợ Cồn có tên rất mộc mạc, bắt nguồn từ đặc điểm địa hình. Ngày xưa, khu vực này là một gò đất cát (cồn cát) cao nhô lên giữa vùng đất trũng thường ngập nước. Thương lái và người dân tụ tập buôn bán ở gò này, lâu dần hình thành cái tên “chợ Cồn” rất đời thường, rất miền Trung.
Khi mới xuất hiện, chợ Cồn nằm ở rìa phía Tây thành phố Tourane (tên Đà Nẵng thời Pháp thuộc). Vị trí này cực kỳ thuận lợi cho nông dân, thương lái từ các huyện, tỉnh lân cận chở nông sản, hải sản, hàng hóa đến trao đổi, làm cho chợ nhanh chóng phát triển thành một đầu mối quan trọng.
Trong thời kỳ chiến tranh trước 1975, tiểu thương chợ Cồn không chỉ buôn bán mà còn bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng. Họ hỗ trợ thuốc men, thực phẩm cho vùng giải phóng, thường ngụy trang trong thùng bánh kẹo, rau củ để qua mắt chính quyền Sài Gòn.
Như nhiều khu chợ ở trung tâm Đà thành, chợ Cồn khá quy củ, sạch sẽ. (Ảnh: Danatravel)
Hiện nay, cổng chính của chợ Cồn (ngã tư Hùng Vương - Ông Ích Khiêm) có một tấm bia đá ghi lại một chiến tích lịch sử tại khu vực này như sau: "13 giờ ngày 9/2/1971, chiếc xe Jeep chở tên Trưởng ban mật vụ Nha Cảnh sát vùng I chiến thuật cùng hai sĩ quan an ninh Ngụy đã bị nổ tung tại ngã tư chợ Cồn - thành phố Đà Nẵng. Chiến công diệt ác này do đồng chí Hồ Thị Phương, chiến sĩ Ban An ninh, quận III thành phố Đà Nẵng mưu trí tiếp cận gài chất nổ dưới gầm xe của chúng".
Sau năm 1975, chính quyền Đà Nẵng quyết định đầu tư xây dựng chợ mới hiện đại hơn tại đây. Năm 1985, chợ cũ được phá dỡ, công trình mới - Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng - được xây dựng chỉ trong 100 ngày và khánh thành đúng ngày 29/3/1985 (kỷ niệm giải phóng Đà Nẵng). Chợ mới có diện tích khoảng 14.000 m², gồm khu nhà chính 3 tầng và dãy sạp phía sau.
Dù được đổi tên chính thức thành Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng từ năm 1985 nhưng người dân vẫn quen miệng gọi “chợ Cồn” - cái tên gắn với ký ức và bản sắc địa phương. Đến năm 2012, chính quyền thành phố chính thức quyết định quay lại tên cũ “chợ Cồn” và nơi đây tiếp tục phát triển thành chợ bán sỉ, lẻ lớn nhất Đà Nẵng cho đến ngày nay.
Ẩm thực chợ Cồn. (Ảnh: Dù lượn Đà Nẵng)
Đi chợ Cồn mà không ăn gì là coi như chưa đi. Bên trong chợ có đủ món đặc sản miền Trung như mì Quảng, bún mắm nêm, bánh bèo, bánh nậm, chè thập cẩm, nem lụi… Giá cả ở đây rất dễ chịu, tầm 10 - 30k/món, cực kỳ thân thiện với mọi du khách, đặc biệt là dân thích “food tour”./.