Tô Thái Hùng – Cái tên không còn quá xa lạ với những ai đam mê du lịch. Xuất phát điểm là một sinh viên ưu tú của Đại học Ngoại Thương, ngôi trường top đầu và là niềm ao ước của nhiều bạn trẻ. Cuộc đời của một chàng sinh viên xuất sắc tại Ngoại Thương đáng lẽ nên là một nam doanh nhân hay làm việc gì đó về kinh tế, thế nhưng, Hùng lại có một quyết tâm khác, một đam mê ấp ủ chỉ chờ đúng thời điểm.
Quyết tâm theo đuổi con đường xê dịch - khám phá và trở thành travel blogger, trái ngược với ngành học kinh tế là một quyết định liều lĩnh mà chắc chắn nhiều bạn trẻ không dám. Nhưng với Tô Thái Hùng, một con người có niềm đam mê khổng lồ với xê dịch thì không gì là không thể. Người bi quan chỉ thấy khó khăn trong cơ hội, còn người lạc quan chỉ thấy cơ hội trong khó khăn. Và Tô Thái Hùng chính là tuýp người thứ hai. Khi nhắc về việc làm trái ngành , trái nghề, Hùng thoải mái chia sẻ về quyết định của mình.
“Những gì mình học được ở ngoại thương không chỉ là kiến thức chuyên môn mà còn hơn thế. Đó là các kỹ năng cũng như nhiều mối quan hệ. Vì ở ngoại thương cũng có rất nhiều người làm MC, ca sĩ, người mẫu, diễn viên, hoa hậu... họ đều đang làm rất tốt được công việc của mình, nên Hùng nghĩ việc trái ngành không phải là sự bất lợi.
Bài học lớn mà Ngoại Thương đã dạy mình đó chính là trong mỗi công việc mình làm đều phải đầu tư vào đó nhiệt huyết, tư duy tích cực và sự logic. Mỗi người đều có thiên hướng riêng nên chưa chắc học kinh tế thì đã phải làm kinh tế nên mình chọn làm theo những gì mình mạnh và mình thích thôi!”
Bất kỳ bước đi nào đều mang đến khó khăn, nhưng khó khăn không chỉ đến từ người trong cuộc mà còn từ những người xung quanh. Cuộc sống đầy rẫy những người tốt, kẻ xấu. Kẻ ghen ghét thì chắc hẳn chỉ chờ cậu sinh viên 9x thất bại thảm hại trên con đường mình đã chọn, người thương mến thì cũng lo lắng không biết anh có thể bước tiếp trên con đường này không. Đáp lại tất cả, Tô Thái Hùng cho biết “Thật ra luôn có người ủng hộ và người không ủng hộ với quyết định của mình. Nhưng chính những người không đồng ý lại giúp mình không ngừng cố gắng, về mặt nào đó họ chính là động lực để Hùng có thể chứng mình rằng mình đã đúng trên con đường đã chọn”
Vậy bản thân anh có cảm thấy quyết định lúc ấy của mình là đúng, có bao giờ anh cảm thấy chông chênh?
Mình nghĩ dù trước đây hay bây giờ và thậm chí là sau này thì quyết định mình đã chọn vẫn luôn đúng, bởi vì tất cả những gì mình đang đạt được đã chứng minh cho điều ấy với mọi người
Nhiều người tự hỏi điều gì khiến travel blogger luôn duy trì tâm thế muốn lên đường bởi chẳng có gì trói buộc được đôi chân ham bước ấy. Họ tôi luyện sự bướng bỉnh cho tâm tưởng, rèn luyện sự lì lợm cho cả tinh thần, cơ thể và làn da như thế nào để sẵn sàng hòa hợp với một vùng đất mới.
Có lẽ nhiều người thường nghĩ xê dịch, du lịch đơn tuần là quẳng một đống tiền vào vé máy bay, khách sạn. Đến nơi thì giơ máy ảnh lên “tách, tách” chụp vài tấm, khoe lên mạng xã hội là xong. Thế nhưng, với một người đam mê du lịch, khám phá thực sự, mọi chuyện không hề hời hợt như vậy.
Du lịch đâu chỉ là nằm trong những Villa, resort hạng sang, ăn no nê và đi tắm biển. Đó là cả một hành trình khám phá con người, vùng đất nơi mà chúng ta đã đặt chân qua. Đến miền trung để biết cách mà nhà may ở Huế, Hội An phải tỉ mỉ thế nào mới ra được bộ áo dài trứ danh, lên Hà gIang để thấy sự trùng điệp, hùng vỹ của mẹ thiên nhiên. Nhưng đó chưa phải là tất cả với Tô Thái Hùng, “Du lịch còn mang đến một giá trị khác đó chính là điểm nhìn trong cuộc sống về sự trải nghiệm. Du lịch giúp mình nhận mọi thứ đa chiều và sâu sắc hơn. Là sự thay đổi góc nhìn đối với những vấn đề trong cuộc sống.”
- Gần đây có ý kiến cho rằng "Du lịch là một trào lưu xa hoa và gây tốn kém". anh nghĩ thế nào về điều này?
Đối với những công việc đòi hỏi sự sáng tạo thì việc du lịch theo quý, năm là điều đáng thực hiện. Nếu làm việc sáng tạo cường độ quá cao và không có niềm vui cũng như 1 sự giải trí để bù đắp lại thời gian làm việc căng thẳng sẽ dẫn đến việc chảy máu chất xám. Còn về việc du lịch tốn kém xa hoa - nó phụ thuộc vào lối sống và cách chi tiêu của từng người. Đâu ai bắt ép phải du lịch và sống hưởng thụ xa hoa ở những khu resort đắt đỏ, nhà hàng sang trọng? Đó là do cá nhân mình thôi. Và nếu còn trẻ, hãy cố gắng kiếm tiền thật nhiều, để đến cột mốc vài năm nữa, 5 năm nữa chẳng hạn, bạn sẽ đạt đến việc “du lịch shopping không cần nhìn giá”. Hoặc đi đến thật nhiều nơi nhất có thể khi còn trẻ.
Tuổi trẻ là quãng thời gian đẹp nhất của đời người. Nó không chỉ gắn liền với khát vọng, đam mê, những bước chân đi không mệt mỏi, mà còn gắn với những thử thách. Vậy nhưng, đam mê có phải là điều duy nhất giúp cho mỗi bạn trẻ thành công?
Có ý kiến "Theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn". Anh nghĩ thế nào về câu nói này?
Theo đuổi đam mê là làm và thực hiện những điều mình thích. Khi làm những điều do bản thân có niềm đam mê theo đuổi nó, tự khắc công việc mỗi ngày của bạn sẽ chẳng có gì nặng nề.
Còn nếu làm việc do gượng ép và bắt buộc, thì khác nào việc bắt ép bản thân đang làm điều mình không muốn, liệu như thế có được thành công không? Khi làm điều bản thân yêu thích, đam mê và phấn đấu theo đuổi, tự khắc thành công sẽ đến với bạn vì đơn giản, ông trời không phụ ai cả.
Anh nghĩ đam mê quyết định bao nhiều % để tiến tới thành công?
Đam mê quyết định 40% để tiến đến thành công. 60% còn lại là thái độ. Mình luôn có quan điểm là thái độ hơn trình độ.
Anh có muốn nhắn nhủ gì tới những bạn trẻ đang không có định hướng rõ ràng hoặc không thể theo đuổi thứ mình thích?
Mình dám nhắn nhủ gì đâu, vì mình cũng đang là một người đang trên con đường tìm hiểu và khẳng định những định hướng của mình. Nhưng Hùng vẫn luôn một câu nói là “Cuộc đời mỗi con người có rất nhiều ngã rẽ và không phải ai cũng biết đường mình nên và không nên đi hướng nào. Hãy làm những gì mình thích và mong muốn đạt ở hiện tại, đừng bao giờ để sau này phải nói những câu: nếu như, giá như,... cho những việc mình đã quyết định. Nghề chọn mình chứ mình chưa chắc chọn nghề được.“
Vì vậy lúc nào cũng nên nhiệt huyết và tích cực với tất cả những gì mình đang làm thôi!