3795 VOTE
Một thoáng bình an Tam Chúc

Ha Trinh - Cindee

Khi đặt bút xuống viết hai chữ Bình An, mình nhớ ngay tới căn hộ dịch vụ cùng tên mình đang thuê ở Sài Gòn, cái tên được đặt với mong muốn người nào ở đó cũng sẽ tịnh tiến dần tới sự bình an. Với mình, một người thích xê dịch, tính tình lại năng nổ hoạt náo, thì khái niệm này có lẽ sẽ hơi khác với nhiều người, với số đông. Nhưng vừa đặt chân tới Tam Chúc và ở lại sau vài ngày, mình dần dần cảm nhận rõ hơn như thế nào là tìm về chốn an yên, để lòng tự do tự tại không vướng bận. Chắc có lẽ đấy chính là sự bình an mà ai ai cũng đang kiếm tìm bấy lâu nay.

VOTE 3795
Share

Một thoáng bình an Tam Chúc

Khi đặt bút xuống viết hai chữ Bình An, mình nhớ ngay tới căn hộ dịch vụ cùng tên mình đang thuê ở Sài Gòn, cái tên được đặt với mong muốn người nào ở đó cũng sẽ tịnh tiến dần tới sự bình an. Với mình, một người thích xê dịch, tính tình lại năng nổ hoạt náo, thì khái niệm này có lẽ sẽ hơi khác với nhiều người, với số đông. Nhưng vừa đặt chân tới Tam Chúc và ở lại sau vài ngày, mình dần dần cảm nhận rõ hơn như thế nào là tìm về chốn an yên, để lòng tự do tự tại không vướng bận. Chắc có lẽ đấy chính là sự bình an mà ai ai cũng đang kiếm tìm bấy lâu nay.

Trên nền cổ tự từ thời Đinh cách đây 1000 năm, chùa Tam Chúc được xây dựng lại, với địa thế dựa núi nhìn hồ. Khu vực đầm lầy được cải tạo, mở rộng và dẫn nước từ sông về, để trở thành hồ Lục Nhạc. Trên mặt hồ Lục Nhạc có rất nhiều đảo lớn nhỏ, khiến cho Tam Chúc được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn”. Chùa Tam Chúc, cùng với các điện, các đền thờ trong quần thể, được xếp thành từng tầng có độ cao khác nhau; trong hình học không gian sẽ được định nghĩa là có chiều sâu. Lần đầu tiên đặt chân tới Tam Chúc, điều làm mình ngỡ ngàng nhất đó là sự tráng lệ và hùng vĩ của các công trình kiến trúc tâm linh, những tượng phật Quan Âm hay phật Thích Ca Mâu Ni khổng lồ nơi đây; và càng bất ngờ hơn khi biết rằng vài năm nữa quay trở lại sẽ có thể thấy diện mạo hoàn toàn khác, với nhiều đền và điện đang được thi công thêm. 

Hành trình tham quan sẽ bắt đầu ở trung tâm hội nghị quốc tế Vesak, địa điểm đầu tiên khi tới Tam Chúc, nơi mua vé du thuyền. Thuyền sẽ khởi hành từ sáng, chuyến cuối ngày lúc 6h chiều. Du thuyền với trà và một vài thức bánh ngọt, hoa quả được phục vụ, sẽ cập bến Đình làng Tam Chúc đầu tiên. Trước kia, đây là nơi cư trú của một số người dân, sau khi quy hoạch, người dân được di chuyển về một ngôi làng cách Tam Chúc không xa. Đình làng, cây đa, giếng nước, những thứ tiêu biểu cho một làng cổ Việt Nam vẫn còn được giữ gìn và trùng tu trọn vẹn. Bến thứ hai, thuyền sẽ dừng lại khu tâm linh, bắt đầu từ đây sẽ là hành trình luyện đôi chân không mỏi, lần lượt đi qua Tam Quan Nội, Điện Quán Âm, Điện Giáo Chủ, Điện Tam Thế. Từ Điện Quán  m có thể dễ dàng quan sát các cột kinh rất lớn, dự kiến sẽ được điêu khắc lên những lời căn dặn của đức Phật, với 5 ngôn ngữ khác nhau để khách du lịch từ nhiều nước có thể cùng hiểu. Cuối cùng trong hành trình sẽ là cung đường lên tới chùa Ngọc trên đỉnh núi Thất Tinh với thử thách 299 bậc thang, và cũng là nơi có điểm nhìn hoàn hảo toàn khu.

Điểm thú vị của khu du lịch này là hệ thống nhà hàng, quán ăn, chợ quê và khu lưu trú Khách Xá được kết hợp để khiến trải nghiệm của khách tham quan trở nên hoàn thiện. Vì vậy dù là có đi một ngày hay quyết định ở lại đây vài ngày để chậm rãi tham quan và cảm nhận sự an yên nơi đây, thì hai sự lựa chọn này cũng luôn sẵn có. 

Mình tới Tam Chúc vào một ngày đầu tuần, khi lượng khách hành hương không đông, nếu được quay trở lại mình vẫn sẽ lựa chọn tới đây vào một ngày thường để từ từ cảm nhận sự linh thiêng nơi đây, tránh khỏi những xô bồ. Ở đây, mình không hề gấp gáp, hối hả như tính cách du lịch vốn có của bản thân. Tới giờ mình vẫn chưa thể tưởng tượng ra rằng mình đã đứng hàng giờ liền trên cao nơi chùa Ngọc, ngắm nhìn từng lượt khách lên rồi xuống, đưa mắt thấy mấy người bạn ong và bướm bay lượn xung quanh, hay quan sát những cánh mối bị thu hút trong đêm bởi những ánh đèn rực rỡ của ngôi chùa. Mình thấy sự nhỏ nhẹ bất chợt của bản thân khi bước chân vào từng chùa, từng điện; hay cũng thấy những quy tắc, thấy sự tôn trọng nét trang nghiêm nơi đây của mỗi cá nhân. Đó là những thứ mình muốn đóng gói lại, và mang về nhà sau chuyến đi.

Chậm rãi có cái hay của chậm rãi vì vốn ngoài kia đã quá đông đúc và vội vã. Tới với chốn tâm linh, mình tin rằng ai rồi cũng chậm rãi, để sự thành tâm khi cầu bình an được lắng nghe. Đây cũng là không gian hoàn hảo để chiêm nghiệm chính những mong muốn, nguyện vọng của mỗi người, vì chỉ khi tâm tĩnh lại thì tiếng lòng mới rõ ràng và rành mạch. 

Mình mong rằng khi tới với Tam Chúc, dù là độ tuổi nào, quốc tịch hay giới tính nào, mọi người sẽ đều mang một tâm thế như vậy, một tâm thế bình an để ngắm nhìn trọn vẹn cảnh sắc, và để ngắm nhìn chính những tâm tư đang ẩn sâu bên trong bấy lâu nay.


Thông tin về cuộc thi

danh sách bài dự thi