3877 VOTE
Hành trình 2N1Đ từ Nam ra Bắc đi tìm “Bình An Ngay Đây”

Henry Dương

“Checkin-Holic không chỉ đơn thuần là một cuộc thi về du lịch, đây còn là hành trình ấn tượng trong thanh xuân của mình khi lần đầu ra Bắc”.

VOTE 3877
Share

Hành trình 2N1Đ từ Nam ra Bắc đi tìm “Bình An Ngay Đây”

“Checkin-Holic không chỉ đơn thuần là một cuộc thi về du lịch, đây còn là hành trình ấn tượng trong thanh xuân của mình khi lần đầu ra Bắc”.

Cuộc sống xoay quanh công việc diễn ra nhanh đến nỗi, đôi khi mình chẳng còn nhớ rằng hôm nay là ngày bao nhiêu, sắp đến ngày gì... có những lúc mình chỉ muốn tạm dừng tất cả mọi việc rời khỏi Sài Gòn, tìm cho mình một nơi có thể nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu, thở thật đều, trong đầu dần tĩnh lặng, cảm nhận được từng hơi thở của chính mình…

Đến một địa điểm, việc chụp ảnh check-in truyền cảm hứng cho mọi người tuy cũng quan trọng đấy, nhưng với mình thì được trải nghiệm không gian tại điểm đến đó mới là điều mà mình thích nhất trong từ "check-in".

2N1Đ tại Tam Chúc, từ một tâm hồn chất chứa bao vướng bận bộn bề cuộc sống chẳng thể nào thoát ra, mình đã tìm được “Bình an ngay đây” với những giản đơn thuở sơ khai  muốn dừng chân thật lâu, thật lâu ở chốn này.

1. Tích xưa “ Tiền Lục Nhạc - Hậu Thất Tinh” 

Hiếm có một ngôi chùa nào tại Việt Nam có phong thủy tuyệt đẹp như Chùa Tam Chúc khi lưng tựa núi, mặt hướng thuỷ, phía sau là núi Thất Tinh, phía trước là hồ Lục Nhạc với những quả núi tạo nên khung cảnh hoang sơ, kỳ vĩ như một “ vịnh Hạ Long thu nhỏ” trên cạn.

Chùa Tam Chúc cổ - được xây dựng từ thời nhà Đinh, gắn liền với truyền thuyết “Tiền Lục Nhạc - hậu Thất Tinh”. Dân gian kể lại rằng: Xưa có bảy tiên nữ xuống trần dạo chơi, khi đến Tam Chúc các tiên nữ mê mẩn với khung cảnh hữu tình chốn này mà quên đường về. 

Nhà trời đã sáu lần cử người xuống trần truyền gọi các nàng vẫn mãi không về, mỗi xuống thiên binh, thiên tướng đều mang theo một quả chuông thể thu phục các nàng. Và đó 6 quả chuông ấy sau này đã trở thành 6 ngọn núi nằm rải rác khắp hồ lý giải cho tên gọi “Tiền Lục Nhạc”. 

Câu chuyện “Hậu thất tinh” được bắt đầu từ những dãy núi phía sau chùa Tam Chúc. Theo đó, trên dãy núi 99 ngọn nằm ở phía Tây Nam hướng về chùa Hương có 7 ngọn núi gần làng Tam Chúc. 

Theo tích xưa kể lại rằng, cả 7 ngọn núi này đều xuất hiện những đốm sáng lớn tựa như 7 ngôi sao lung linh từ trên cao rọi xuống cả  một vùng rộng lớn, chiếu sáng suốt đêm ngày. Dân làng gọi đó là núi “Thất Tinh” và ngôi chùa cổ trên núi được gọi là Chùa Thất Tinh. 

Ngày tháng trôi qua, sự tò mò nung nấu những đoàn người đến núi Thất Tinh đục đẽo, hòng lấy đi 7 ngôi sao đặc biệt, họ chất củi thành đống lớn đốt từ ngày này sang ngày khác khiến cho 4 ngôi sao mờ dần đi, cuối cùng chỉ còn lại 3 ngôi sao.

Vì thế, Chùa Thất Tinh được đổi thành Chùa “Ba Sao” và thị trấn Ba Sao (Kim Bảng) cũng được lấy tên gọi từ tích ấy.

Quần thể Chùa Tam Chúc có diện tích gần 5.100 ha, tất cả các công trình chính được xây dựng theo trục thần đạo nằm trên một đường thẳng, còn các công trình kiến trúc phụ được tôn tạo cân đối đối hai bên.

2. Các địa điểm mình đã check-in trong 2N1Đ ở Tam Chúc 

2.1 Đình Tam Chúc

Đình Tam Chúc là nơi thờ Hoàng hậu nhà Đinh Dương Thị Nguyệt, đình nằm giữa một hồ nước rộng lớn, nơi đây lưu giữ nhiều dấu tích cổ từ thời vua Đinh.

Tên gọi Chùa Tam Chúc được đặt từ tên gọi làng Tam Chúc trước đây có 50 hộ dân sinh sống. Sau khi BQT quy hoạch lại thành Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc thì người dân được di dời về thị trấn Ba Sao. 

2.2 Nhà khách Thuỷ Đình

Nhà khách Thủy Đình là điểm cuối trục thần đạo nhưng lại nơi đầu tiên mở ra hành trình đến Chùa Tam Chúc. Thủy Đình được xây trên mặt hồ, tựa như đóa sen nở rộ, đây là một địa điểm check-in không thể bỏ qua khi đến Chùa Tam Chúc.

Bên trong Thủy Đình được bài trí trang nghiêm để đón các đoàn Phật tử về dự lễ, xung quanh là các bức tranh bằng đèn led, giới thiệu tổng quan và mô tả toàn cảnh Chùa Tam Chúc.

2.3 Vườn cột kinh

Vườn cột kinh nằm trong khuôn viên của Tam quan nội và điện Quan Âm với hình thể và quy mô đồ sộ, sử dụng đá xanh nguyên khối với kích thước mỗi cột cao 12,5m, nặng 200 tấn, những trụ cột được phục dựng theo phiên bản cột kinh Phật tại Chùa Nhất Trụ, một bảo vật quốc gia ở Hoa Lư, Ninh Bình.

Dự kiến khi hoàn thành sẽ có số lượng lên đến 1.000 cột kinh Phật, đây được xem là vườn cột kinh lớn nhất thế giới lưu truyền cho hậu thế. Vườn cột kinh này không chỉ minh chứng cho một nền điêu khắc đá sống động mà còn là hiện thân cho một giai đoạn lịch sử của một dòng chảy văn hóa, tâm linh đến ngàn đời.

2.4 Điện Quán Âm

Điện Quán Âm là nơi thờ Phật Quán Thế Âm Bồ Tát với những bức phù điêu nói về tấm lòng từ bi, hỉ xả của Ngài phổ độ chúng sinh, thể hiện qua các lần Ngài ứng thân phải trải qua vô số kiếp luân hồi để cứu rỗi con người.

Tất cả các bức phù điêu trong điện đều được đúc tạc từ đá lấy từ miệng núi lửa Merapi ở Indonesia, dưới bàn tay của các nghệ nhân đảo Java.

2.4 Điện Pháp Chủ 

Điện Pháp Chủ nổi bật với pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn. Đây là pho tượng Phật bằng đồng nguyên khối lớn nhất Đông Nam Á. 

2.5 Điện Tam Thế

Điện Tam Thế có 3 tầng mái cong được xây dựng theo lỗi kiến trúc đình chùa đặc trưng Việt Nam, đây cũng được xem là gian điện Tam Thế lớn nhất Việt Nam.

Với chiều cao 39m, diện tích sàn 5.400m2, diện tích tầng hầm 2.200m2, tại Điện Tam Thế có thể giúp cho 5.000 Phật Tử có thể hành lễ cùng một lúc.

Ngay những bậc tam cấp đi lên chánh điện, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng bức phù điêu được điêu khắc bằng đá khổng lồ như một công trình nghệ thuật rất công phu.

Điện Tam Thế được xem là tòa đại điện lớn nhất và đẹp nhất trong quần thể Chùa Tam Chúc. Bên trong điện thờ ba pho tượng Tam Thế Phật đại diện cho quá khứ - hiện tại và vị lai. Mỗi bức có trọng lượng lên đến 80 tấn, phía sau mỗi bức tượng là lá bồ đề dát vàng.

Đi vòng ra sau lưng tượng 3 bức tượng Phật là các bức phù điêu đức Phật ngồi thiền, các bức phù điêu kể về những giai đoạn và bước ngoặt trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, từ khi Ngài đản sinh, thành đạo, thuyết pháp, cho tới khi nhập Niết Bàn.

2.6 Chùa Ba Sao

Chùa Ba Sao là ngôi chùa rất linh thiêng trong quần thể văn hóa tâm linh Tam Chúc, nơi đây lưu giữ những dấu tích huyền thoại của các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần.

Bên cạnh đó, đây còn là nơi ghi dấu của Thiền sư Nguyễn Minh Không trên bước đường xây dựng Phật cảnh, tu hành và cứu độ nhân thế của Ngài.

Tích xưa kể lại rằng, Chùa Ba Sao gắn liền với sự tích Thiền sư Nguyễn Minh Không đi tìm cây thuốc cứu người, Ngài đi đến đây thấy một hang động đẹp đã dừng chân nơi đây xây chùa hành đạo.

Trong hành trình của mình, Thiền sư Nguyễn Minh Không đã xây dựng được 500 ngôi chùa mở đường cho dòng tu tập dấn thân sau này. Nếu có dịp đến Chùa Tam Chúc, các bạn đừng bỏ ngôi chùa linh thiêng này nha!

2.7 Chùa Ngọc

Chùa Ngọc tọa lạc trên đỉnh núi Thất Tinh là điểm đến cuối cùng trong hành trình chinh phục quần thể Tam Chúc.

Nằm ở độ cao cheo leo, Chùa Ngọc được ví như một “Đàn tế trời”, để đến được đây bạn cần bách bộ trên 300 bậc thang.

Nhưng thành quả nhận về là bạn sẽ được phóng tầm mắt ra xa chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh quan Chùa Tam Chúc hùng vĩ.

3. Chi phí cho 2N1Đ đi tìm “Bình An Ngay Đây”

Tiền vé máy bay khứ hồi: 
TP.HCM - HN: 1.721.000
HN - TP.HCM: 1.991.000
Khách sạn ở Hà Nội: 286.000/ đêm
Xe khách đi Tam Chúc dao động: 220.000 người khứ hồi
Vé combo thuyền VIP và ăn trưa: 360.000/ người
Khách xá Tam Chúc: 900.000/đêm.

Tổng chi cho hành trình đi tìm “Bình An Ngay Đây” của một người nếu bay từ Nam ra Bắc sẽ là: 5.478.000/ người

Trên đây mình chỉ liệt kê những chi phí cơ bản cần thiết phải chi, còn chi phí ăn uống thì tùy nhu cầu và thể trạng của mỗi người sẽ khác nhau, nên không có mức phí cố định mình không liệt kê vào phần này.

Đừng thấy mức phí xong choáng có ý định quay xe không đi Tam Chúc nữa nhé! Mức phí này cao là vì mình bay từ Sài Gòn ra, nên có thêm phí vé máy bay, còn nếu các bạn ở Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận, mức phí sẽ dễ chịu hơn mình nhiều.

Thứ hai là mình ở lại Khách xá Tam Chúc với giá phòng là 900.000/đêm, nếu các bạn chỉ tham quan ban ngày xong rồi về thì chi phí sẽ thấp hơn mình nhiều lắm.

4. Di chuyển trong khuôn viên chùa Tam Chúc:

Để di chuyển vào bên trong Chùa Tam Chúc có 2 lựa chọn:

- Đi xe điện: 90.000/người
- Đi du thuyền:

  • Thuyền thường: 200.000/người
  • Thuyền VIP: 240.000/người

Sau khi trải nghiệm cả hai phương tiện di chuyển, theo mình khi đi vào chùa các bạn chọn đi thuyền và khi ra về chọn đi xe điện. Khi đi thuyền, nếu các bạn không muốn chen nhau trên thuyền to vào những dịp cuối tuần đông đúc thì có thể chọn đi thuyền nhỏ cho thoải mái.

Nếu đi vào các ngày trong tuần thì chọn đi thuyền VIP cho sướng, chỉ thêm có 40k trên thuyền có hướng dẫn viên, phục vụ trà bánh hoa quả, chụp ảnh sẽ đẹp hơn, khung cảnh trên thuyền xung quanh như là vịnh Hạ Long thu nhỏ.

5. Ăn gì và ở đâu tại Chùa Tam Chúc:

Nơi ăn: 

Trong khách xá có 2 khu vực để ăn uống. Buổi trưa có buffet đồ chay, đồ mặn và tráng miệng thời gian phục vụ từ 10 giờ - 15 giờ. Nếu mua riêng là 150.000/người, còn mua combo với thuyền thì chỉ còn 120.000/người. Combo thuyền VIP và ăn trưa là 360.000/người.

Phía trước khách xá có khu Chợ quê, với các gian hàng ăn bày bán đồ ăn, gian hàng dân gian, ngoài ra còn có quán cà phê  An Lạc với view nhìn xuống cảnh chùa bên dưới. Buổi tối có thể ăn tại nhà hàng dưới sảnh khách xá luôn, trộm vía là đồ ăn trong khách xá nêm nếm khá ngon, ăn khá vừa miệng.

Lưu ý: Buổi tối do khuôn viên chùa rộng và các cây bán nước khá xa, nhà hàng không mở xuyên đêm, trên phòng cũng không có mì gói. Nên bạn nào có thói quen ăn đêm thì thủ sẵn tí đồ ăn vặt và tí nước uống dự phòng từ chiều nhé!

Chốn ở: 

Trong chùa có Khách xá để khách có nhu cầu nghỉ lại qua đêm, giá phòng thấp nhất là 900.000/ đêm. 

Cảm quan của mình về phòng ở khách xá chùa Tam Chúc: phòng hiện đại, đầy đủ tiện nghi chẳng khác gì khách sạn tầm 3 - 4 sao. Điều mình thích nhất là phòng vệ sinh rộng rãi, sạch sẽ, được trang bị đầy đủ đồ dùng vệ sinh cá nhân. Nên mình thấy với tầm giá 900k/ đêm so với những trải nghiệm tại Khách xá mang lại thì không quá đắt.

Ở lại chùa có một cái hay là sẽ được tận hưởng không gian yên bình, buông bỏ tất cả nhịp sống ngoài cửa thiền môn, ngắm cảnh Chùa Tam Chúc lên đèn cực kì đẹp, sáng sớm dậy leo lên Chùa Ngọc đón bình minh cũng đỡ bị đông và chen chúc.

6. Lịch trình chi tiết 2N1Đ:

Ngày đầu tiên:

9h15 - 11h15: Di chuyển từ Hà Nội đến Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc

11h15 - 11h45: Check-in nhận phòng tại Khách xá Tam Chúc nằm trong quần thể Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc

11h45 - 12h15: Ăn trưa tại nhà hàng trong Khách xá

12h15 - 14h30: Nghỉ trưa 

14h30 - 15h30: Trải nghiệm du thuyền trên Hồ Lục Nhạc

15h30 - 16h30: Tham quan các điện thờ tại Tam Chúc: Điện Quán  m - Điện Giáo Chủ - Điện Tam Thế

16h30 - 18h: Tham quan và ngắm hoàng hôn tại Chùa Ba Sao - Tam Tinh Tự. Nơi được xây dựng trên nền móng ngôi Chùa cổ hàng nghìn năm tuổi trong quần thể Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc.

18h - 19h30: Về Khách xá nghỉ ngơi và ăn tối tại Nhà hàng trong Khách xá 

19h30 - 20h30: Ngắm Tam Chúc về đêm, kết thúc hành trình ngày đầu tiên.

Ngày thứ hai:

6h - 7h: Ngắm bình minh tận hưởng không khí trong lành an yên ở Tam Chúc 

7h - 8h: Ăn sáng tại Nhà hàng trong Khách xá

8h - 9h30: Tham quan Chùa Ngọc - Nơi cao nhất để ngắm nhìn toàn cảnh Tam Chúc

9h30 - 10h30: Về Khách xá tham quan Chợ quê, Vườn kiểng, thác nước đá, giếng Ngọc.

10h30 - 11h30: Đi lòng vòng check-in các điện thờ 

11h30 - 12h30: Ăn trưa

12h30 - 13h30: Về phòng nghỉ ngơi, sắp xếp lại hành lý

13h30 - 14h: Check-out trả phòng. Di chuyển về lại Hà Nội, kết thúc hành trình 2N1Đ ở Tam Chúc.


Thông tin về cuộc thi

danh sách bài dự thi